Chiết Tự (chứ Hán) là 折字
Chiết: Bẻ gãy. Tự: chữ.
Chiết tự là phân tách một chữ Hán ra làm nhiều thành phần, giải thích ý nghĩa của mỗi thành phần, và sau rốt giải thích ý nghĩa của toàn chữ.
Ðây là điểm đặc biệt của chữ Hán, vì khởi đầu chữ Hán là loại chữ tượng hình.
Thí dụ 1: Giải thích chữ Ðại bằng cách chiết tự.
■ Chữ ÐẠI
大 do chữ Nhân 人 và chữ Nhất 一 hợp lại.
Nhân là người, viết hai nét tượng trưng Âm Dương. Do đó chữ Ðại là Âm Dương hợp nhất, mà Âm Dương hợp nhất thì phát khởi Càn Khôn, hóa sinh vạn vật.
■ Chữ ÐẠO:
Viết chữ Ðạo 道 bắt đầu bằng 2 phết 丷 tượng trưng Âm Dương, gạch dưới một gạch 艹 là chữ Nhất tượng trưng Âm Dương hiệp nhất, là cơ sinh hóa. Kế bên dưới là chữ Tự 自 nghĩa là chính mình, tự tri tự giác, tự giải thoát, chứ không ai làm giùm cho mình được.
Trên và dưới ráp lại thành chữ Thủ 首 nghĩa là đứng đầu, là trên hết, là nguồn gốc của vạn vật.
Bên hông có bộ xước tức là chữ Tẩu 辶 nghĩa là chạy, tức là vận chuyển biến hóa.
Vậy trong chữ Ðạo có hàm ý Âm Dương, động tịnh, động thì sinh hóa, tịnh thì vô hình vô ảnh.
Thí dụ 2: Giải thích chữ Âm Dương bằng chiết tự.
■ Chữ DƯƠNG 陽 gồm 2 phần: Bên trái là là bộ Phụ 阝 là núi đất, bên phải có chữ Nhựt 日 là mặt trời đứng trên đường ngang, ý nói mặt trời đã mọc lên khỏi đường chân trời, bên dưới là chữ Vật 勿 vẽ hình giống các tia sáng rọi xuống.
Do đó, chữ Dương có nghĩa là phía có ánh sáng mặt trời chiếu vào, nên sáng sủa.
■ Chữ ÂM 陰 bên trái có bộ Phụ 阝 là núi đất, bên phải, phía trên là chữ Kim 今 có hình như cái nóc nhà, bên dưới chữ Vân 云, ý nói bị che khuất nên tối tăm.
Do đó Âm là chỉ phía mặt trời bị che khuất.
Phía có mặt trời chiếu vào thì sáng sủa ấm áp, cây cối phát triển; còn phía ánh sáng mặt trời bị che khuất thì tối tăm, lạnh lẽo, cây cối không phát triển.
Do đó, chữ Âm Dương, nghĩa khởi đầu của nó là Tối Sáng, suy thành các nghĩa khác là hai cái tương phản nhau mà có cùng nguồn gốc như: lạnh nóng, đêm ngày, nữ nam, ác thiện, xấu tốt, đục trong, vv… Và hai Khí do Thái Cực biến hóa sanh ra cũng được gọi là hai Khí Âm Dương vì hai Khí nầy có đặc tính trái ngược nhau mà không tương hại.
Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.
(Chiết tự chữ đức 德)
Đây là các mà các cụ ngày xưa luyện nhớ Chữ Hán hay còn gọi là chiết tự.
Cùng chủ đề : Học viết chữ hán
Chiết tự nảy sinh trên cơ sở nhận thức về hình thể của chữ Hán, cách ghép các bộ, cách bố trí các bộ, các phần của chữ. Trên phương diện nào đó, chiết tự chính là sự vận dụng phân tích chữ Hán một cách linh hoạt sáng tạo. Hơn thế nữa, nó không chỉ dừng lại ở hình thức phân tích chữ Hán thuần túy mà còn chuyển sang địa hạt văn chương và các trò chơi thử tài trí tuệ đầy thú vị và hấp dẫn.
Như chúng ta đã biết, ở chữ Hán luôn có sự kết hợp nổi bật của ba mặt: hình – âm – nghĩa. Và chiết tự trong những chữ Hán đã phát huy đặc điểm cấu trúc ba mặt này để tạo nên nét riêng độc đáo so với chiết tự ở những hệ thống văn tự khác. Chiết tự trong chữ Hán không chỉ chiết về mặt hình thể chữ mà còn liên hệ với cả phương diện âm và nghĩa. Về mặt hình thể, chiết tự dựa trên nguyên tắc phân chữ Hán ra các bộ phận cấu thành của chữ. Về mặt âm, chiết tự sử dụng các tri thức mang tính ngữ âm học như nói lái và phiên thiết. Về mặt nghĩa, chiết tự dựa vào bản chất biểu ý của chữ Hán. Một chữ Hán bất kỳ cũng gồm nhiều nét hay các phần tạo nên. Với chữ độc thể là các nét. Với chữ hợp thể là các bộ phận hợp thành phức tạp hơn về cấu trúc.
Chính nhờ nét riêng độc đáo này, chiết tự trong chữ Hán trở nên đa dạng về hình thức và kiểu loại, phong phú về nghệ thuật ngôn từ. Để dễ nhớ, chiết tự thường được thể hiện dưới dạng thơ hoặc văn vần qua hàng loạt các bài thơ, câu đố chiết tự, rất cuốn hút đối với người học chữ. Những câu chiết tự kiểu như:
Cô kia đội nón chờ ai
Hay cô yên phận đứng hoài thế cô.
(Chữ an 安)
Đã trở nên quen thuộc với biết bao thế hệ học chữ Hán (đặc biệt là với trẻ nhỏ). Người ta còn dùng câu đố chiết tự để thử tài chữ nghĩa, thử tài suy đoán của nhau. Nhờ đó, chiết tự có điều kiện đi sâu vào trong đời sống Hán học, dần dần trở thành thói quen khi học chữ.
Hai người đứng giữa cội cây,
Tao chẳng thấy mày, mày chẳng thấy tao.
Đó là hình chữ lai 來. Chữ lai 來 có hình hai chữ nhân 人 ở hai bên, chữ mộc 木 ở giữa. Thực ra hai chữ nhân 人 này vốn là tượng hình hai cái gai. Lai 來 là tên một loại lúa có gai, sau được dùng với nghĩa là đến. (Chiết tự về mặt hình thể).
Ba xe kéo lê lên đàng, âm vang như sấm.
Đó là chữ oanh 轟. Chữ oanh được viết với ba chữ xa 車 và có nghĩa là “tiếng động của nhiều xe cùng chạy”. (Chiết tự về mặt ý nghĩa).
Con gái mà đứng éo le,
Chồng con chưa có kè kè mang thai.
Đây là câu đố chiết tự chữ thủy 始. Chữ thủy 始 vốn là một chữ hình thanh, có chữ thai 台 chỉ âm, chữ nữ 女 (con gái) nói nghĩa.
– Có tú mà chẳng có tài,
Cầm ngang ngọn giáo, đâm ngoài đít dê. (Chữ hy 羲)
– Chữ lập đập chữ viết, chữ viết đập chữ thập. (Chữ chương 章)
– Đất thì là đất bùn ao,
Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay.
Con ai mà đứng ở đây,
Đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào. (Chữ hiếu 孝)
– Một vại mà kê hai chân,
Con dao cái cuốc để gần một bên. (Chữ tắc 則)
– Nhị hình, nhất thể, tứ chi, bát đầu,
Tứ bát, nhất bát phi toàn ngưỡng lưu. (Chữ tỉnh 井)
– Đóng cọc liễn leo, tả trên nhục dưới, giải bơi chèo. (Chữ tùy 隨)
– Đêm tàn nguyệt xế về Tây,
*** sủa canh chầy, trống lại điểm tư. (Chữ nhiên 然)
– Con dê ăn cỏ đầu non,
Bị lửa cháy hết không còn chút đuôi. (Chữ mỹ 美)
– Thương em, anh muốn nên duyên,
Sợ e em có chữ thiên trồi đầu (Chữ phu 夫)
– Khen cho thằng nhỏ có tài,
Đầu đội cái mão đứng hoài trăm năm. (Chữ dũng 勇)
– Thiếp là con gái còn son,
Nếp hằng giữ vẹn ngặt con dựa kề. (Chữ hảo 好)
– Ruộng kia ai cất lên cao,
Nửa vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời. (Chữ tư 思)
– Đất cứng mà cắm sào sâu,
Con lay chẳng nổi, cha bâu đầu vào. (Chữ giáo 教)
– Em là con gái đồng trinh
Chờ người tuổi Tuất gá mình vô em. (Chữ uy 威)
– Ông thổ vác cây tre, đè bà nhật. (Chữ giả 者)
– Đất sao khéo ở trong cung,
Ruộng thời hai mẫu, bờ chung ba bờ. (Chữ cương 疆)
– Muốn cho nhị mộc thành lâm
Trồng cây chi tử tiếng tăm lâu ngày. (Chữ tự 字)
– Hột thóc, hột thóc, phẩy đuôi trê,
Thập trên nhất dưới bẻ què lê. (Chữ pháp 法)
Như vậy, từ những ưu điểm đã phân tích ở trên của chiết tự, chúng ta có thể khẳng định lại một lần nữa: chiết tự là một phương pháp học, nhớ chữ Hán độc đáo của người Việt. Đồng thời qua những câu đố chiết tự này có thể tạo sự hứng thú cho việc học, nhớ chữ Hán.
Bình luận gần đây